Quá trình xây dựng có nhiều rủi ro, có thể gây ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề. Do vậy để dự án xây dựng thành công, đảm bảo được an toàn và chất lượng khi đưa vào sử dụng thì thực hiện khảo sát xây dựng là một trong những bước ban đầu quan trọng.
1. Khảo sát xây dựng là gì?
Khảo sát xây dựng được hiểu là hoạt động thị sát, đo vẽ, thăm dò, thu thập, phân tích, nghiên cứu và đánh giá tổng hợp các điều kiện thiên nhiên của vùng, địa điểm xây dựng về địa hình, địa mạo, địa chất, địa chất thủy văn, địa chất của công trình, các quá trình và hiện tượng địa chất vật lý xảy ra, khí tượng thủy văn, hiện trạng công trình để lập các giải pháp đúng đắn về kỹ thuật và hợp lý nhất về kinh tế khi thiết kế, xây dựng công trình đó.
Hoạt động khảo sát xây dựng bao gồm các loại hình như sau: khảo sát địa hình, khảo sát địa chất công trình xây dựng, khảo sát địa chất thuỷ văn, khảo sát hiện trạng của công trình và các công việc khảo sát khác phục vụ cho quá trình xây dựng do người quyết định tư quyết định.
2. Yêu cầu đối với khảo sát xây dựng:
Luật xây dựng năm 2014 quy định yêu cầu đối với khảo sát xây dựng tại Điều 74 như sau:
– Lập nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng phải phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng, loại hình khảo sát, bước thiết kế và phù hợp với yêu cầu của việc lập thiết kế xây dựng;
– Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng phải được lập đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát xây dựng và tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khảo sát xây dựng được áp dụng;
– Tuân thủ phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong công tác khảo sát xây dựng và đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát xây dựng được duyệt và phải kiểm tra, giám sát, nghiệm thu theo quy định;
– Kết quả khảo sát xây dựng phải được lập thành báo cáo, phản ánh được đúng thực tế, bảo đảm tính trung thực, khách quan và phải được phê duyệt;
– Nhà thầu khảo sát xây dựng phải đáp ứng đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng và loại hình khảo sát.
3. Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong khảo sát xây dựng:
Trong khảo sát xây dựng, chủ đầu tư có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 76 Luật xây dựng năm 2014, cụ thể:
– Quyền của chủ đầu tư bao gồm:
+ Chủ đầu tư được thực hiện khảo sát xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực;
+ Chủ đầu tư có quyền tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng khảo sát xây dựng; giám sát, yêu cầu nhà thầu khảo sát xây dựng thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết;
+ Chủ đầu tư thực hiện phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án kỹ thuật khảo sát do tư vấn thiết kế hoặc do nhà thầu khảo sát lập và giao cho nhà đầu tư khảo sát xây dựng nhiệm vụ khảo sát;
+ Chủ đầu tư theo yêu cầu hợp lý tư vấn thiết kế xây dựng thực hiện điều chỉnh nhiệm vụ khảo sát xây dựng;
+ Chủ đầu tư thực hiện đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng khảo sát xây dựng theo quy định của pháp luật;
Ngoài ra chủ đầu tư còn thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.
– Nghĩa vụ của chủ đầu tư bao gồm:
+ Trong trường hợp không tự thực hiện khảo sát xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng phải lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng;
+ Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác khảo sát cho nhà thầu khảo sát xây dựng;
+ Xác định yêu cầu và bảo đảm điều kiện cho nhà thầu khảo sát xây dựng thực hiện công việc;
+ Thực hiện đúng theo nội dung hợp đồng khảo sát xây dựng đã ký kết;
+ Tổ chức giám sát công tác khảo sát xây dựng; tổ chức thực hiện việc nghiệm thu, phê duyệt kết quả khảo sát theo quy định của pháp luật;
+ Khi cung cấp thông tin, tài liệu không phù hợp, vi phạm hợp đồng khảo sát xây dựng phải bồi thường;
+ Phải thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng và của pháp luật có liên quan.
4. Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu khảo sát xây dựng:
Nhà thầu khảo sát xây dựng có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 77 Luật xây dựng năm 2014 như sau:
– Nhà thầu khảo sát xây dựng có các quyền như sau:
+ Để thực hiện khảo sát xây dựng đúng theo quy định của hợp đồng, nhà thầu được yêu cầu chủ đầu tư và các bên có liên quan cung cấp số liệu, thông tin liên quan;
+ Đối với những yêu cầu ngoài hợp đồng khảo sát xây dựng thì được quyền từ chối;
+ Có thể thuê nhà thầu phụ thực hiện khảo sát xây dựng theo quy định của hợp đồng khảo sát xây dựng;
+ Các quyền khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
– Nhà thầu khảo sát xây dựng có các nghĩa vụ như sau:
+ Thực hiện đúng theo yêu cầu khảo sát xây dựng được quy định trong Luật xây dựng và hợp đồng khảo sát xây dựng;
+ Khi phát hiện yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế thì đề xuất, bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng;
+ Chịu trách nhiệm về kết quả khảo sát xây dựng và chất lượng khảo sát do mình thực hiện; nếu có thuê nhà thầu phụ thì phải chịu trách nhiệm về quản lý chất lượng khảo sát của nhà thầu phụ đó và kết quả khảo sát của nhà thầu phụ. Nhà thầu phụ phải chịu trách nhiệm về kết quả khảo sát trước nhà thầu chính và trước pháp luật khi tham gia khảo sát xây dựng;
+ Khi thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát, sử dụng thông tin, tài liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khảo sát xây dựng không phù hợp và vi phạm hợp đồng khảo sát xây dựng thì phải bồi thường thiệt hại;
+ Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
5. Trình tự thực hiện khảo sát xây dựng:
Căn cứ theo Điều 25 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định trình tự thực hiện khảo sát xây dựng như vậy:
Bước 01: Lập và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng.
Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được thực hiện qua các nội dung sau: Mục đích khảo sát xây dựng; Phạm vi khảo sát xây dựng; Yêu cầu về việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khảo sát xây dựng; Sơ bộ khối lượng các loại công tác về khảo sát xây dựng, dự toán khảo sát xây dựng (nếu có); Thời gian thực hiện quá trình khảo sát xây dựng.
Ở bước thiết kế xây dựng sau khi lập nhiệm vụ khảo sát thì phải xem xét nhiệm vụ khảo sát và kết quả khảo sát đã thực hiện ở bước thiết kế xây dựng trước và các kết quả khảo sát có liên quan được thực hiện trước đó (nếu có).
Nhiệm vụ khảo sát xây dựng trong các trường hợp sau được sửa đổi, bổ sung:
– Phát hiện trong quá trình thực hiện khảo sát xây dựng có các yếu tố khác thường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế hoặc phải bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng khi có thay đổi nhiệm vụ thiết kế;
– Nhà thầu phát hiện trong quá trình thiết kế nhiệm vụ khảo sát xây dựng, báo cáo khảo sát xây dựng không đáp ứng yêu cầu thiết kế;
– Phát hiện các yếu tố địa chất khác thường, không đáp ứng được nhiệm vụ khảo sát trong quá trình thi công đã được chủ đầu tư hoặc tư vấn thiết kế phê duyệt có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình, biện pháp thi công xây dựng công trình.
Bước 02: Lập và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng.
Nội dung của phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng bao gồm: Cơ sở lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng; Thành phần, khối lượng thực hiện khảo sát xây dựng; Phương pháp, thiết bị khảo sát và phòng thí nghiệm được đưa vào sử dụng; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khảo sát xây dựng được áp dụng; Tổ chức thực hiện và biện pháp kiểm soát chất lượng của nhà thầu khảo sát xây dựng; Tiến độ thực hiện khảo sát xây dựng; Các biện pháp bảo đảm an toàn trong khu vực khảo sát cho người, thiết bị, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng khác; biện pháp bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan trong khu vực khảo sát và sau khi kết thúc khảo sát có biện pháp phục hồi hiện trạng.
Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng do nhà thầu khảo sát lập phù hợp với nhiệm vụ khảo sát xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm phải kiểm tra hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra lại phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng và thực hiện phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng theo quy định của hợp đồng.
Bước 03. Thực hiện khảo sát xây dựng.
Để thực hiện khảo sát theo quy định của hợp đồng xây dựng, nhà thầu khảo sát có trách nhiệm bố trí người có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp, cử người có đủ điều kiện năng lực để làm chủ nhiệm khảo sát và tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát chất lượng phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng.
Chủ đầu tư được tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực hành nghề phù hợp với loại hình khảo sát để giám sát khảo sát xây dựng phù hợp với quy mô và loại hình khảo sát, theo các nội dung sau:
– Kiểm tra năng lực thực tế của nhà thầu bao gồm nhân lực, thiết bị khảo sát tại hiện trường, phòng thí nghiệm (nếu có) được đưa sử dụng khảo sát xây dựng so với phương án khảo sát xây dựng đã được duyệt theo nội dung hợp đồng xây dựng;
– Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện khảo sát xây dựng: vị trí khảo sát, khối lượng khảo sát, quy trình thực hiện khảo sát, lưu giữ số liệu khảo sát và mẫu thí nghiệm; công tác thí nghiệm tại hiện trường và trong phòng; công tác bảo đảm an toàn trong lao động và môi trường trong quá trình thực hiện khảo sát.
Khi phát hiện nhà thầu không thực hiện đúng phương án khảo sát đã được phê duyệt hoặc các quy định theo nội dung của hợp đồng xây dựng thì chủ đầu tư có quyền đình chỉ công việc khảo sát đó.
Chủ đầu tư được quyền đình chỉ công việc khảo sát khi phát hiện nhà thầu không thực hiện đúng phương án khảo sát đã được phê duyệt hoặc các quy định của hợp đồng xây dựng.
Bước 04. Nghiệm thu, phê duyệt kết quả khảo sát xây dựng.
Phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng do chủ đầu tư thực hiện bằng văn bản hoặc phê duyệt trực tiếp tại Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng. Nhà thầu được quyền tư vấn thiết kế hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực để kiểm tra báo cáo kết quả khảo sát xây dựng trước khi phê duyệt theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Chất lượng khảo sát xây dựng do nhà thầu thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Việc phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng của chủ đầu tư không thay thế và không làm giảm trách nhiệm của nhà thầu. Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng là thành phần quan trọng trong hồ sơ hoàn thành công trình và để lưu trữ theo quy định.
Căn cứ pháp lý:
– Luật xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020;
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. ( Tải về )
Commentaires